Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Truyền thống phường Sông Hiến
Lượt xem: 108
Phường Sông Hiến có 13 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn phường Sông Hiến, trong đó đông nhất là dân tộc Tày 3, chiếm 44,2% tổng số dân cư của phường, dân tộc Kinh chiếm 34,1%; dân tộc Nùng chiếm 21%; Dân số phường Sông Hiến biến động nhanh chóng, năm 1945 Sông Hiến có khoảng 500 nhân khẩu. Các dân tộc đại đa số không phải là người bản địa lâu đời, một số hộ dân tộc Kinh đến định cư từ trước và sau năm 1945, các dân tộc khác đến sinh sống tập trung nhiều vào thời điểm sau hoà bình lập lại và sau ngày miền Nam giải phóng,

| Tỷ lệ tăng dân số là 1,06%. Trong vòng 10 năm qua có 337 cặp vợ chồng khác dân tộc kết hôn với nhau trong tổng số 791 cặp vợ chồng, chiếm 67,4% tổng số hộ.

Tổng số hộ nghèo năm 1999 là 220 hộ, đến năm 2004 chỉ còn 48 hộ (chiếm 2,1% tổng số dân).

Tổng số hộ giàu là 70 hộ, chiếm 2,97% tổng số dân. Tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, không có hộ đói, hộ nghèo liên tục giảm, phấn đấu đến hết năm 2005 không còn hộ nghèo.

Về nhà ở: có 23,93% nhà kiên cố, 45,29% nhà bán kiên cố; 20,84% nhà gỗ và 9,94% nhà đơn sơ. Toàn phường có 1.749 hộ có tivi, 930 hộ có đài, 100% hộ được dùng điện.

Lịch sử địa phương

Tháng 11-1945, phố Thanh Sơn được gọi là khu Phan Thanh do ông Vũ Ngọc Cúc làm trưởng khu.

Tháng 3 - 1946, nhân dân khu Phan Thanh đã nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân thị xã khoá đầu tiên. Sau kết quả bầu cử, phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thị xã đã bầu ra Ủy ban hành chính thị xã do ông Nông Văn Tiến (tức Quang Ngọc) làm chủ tịch.

| Tháng 10 -1946, Đảng bộ thị xã được thành lập, có năm chi bộ, trong đó có bốn chi bộ nội thị, do ít đảng viên nên khu Phan Thanh chưa thành lập được chi bộ, phải sinh hoạt ghép với chi bộ khu Phạm Ngũ Lão (phố cũ) do đồng chí Hoàng Quý Coóc làm bí thư Chi bộ, gồm có 12 đảng viên.

Hưởng ứng chủ trương xây dựng Quỹ độc lập và tổ chức "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, bà con khu phố Phan Thanh đã tự nguyện ủng hộ kháng chiến. | Tháng 5-1947, máy bay Pháp liên tục ném bom xuống thị xã, nhân dân tạm thời sơ tán vào Nà Cốc, Nà Kẻ, chỉ để lại trung đội dân quân tự vệ trực chiến, khẩn trương đào hầm hào, chuẩn bị công sự sẵn sàng chiến đấu, khu đồi Nà Lắc được cài mìn, cắm chông đề phòng Pháp nhảy dù.

Ngày 9-10-1947, Pháp nhảy dù xuống đồi Nà Lắc đánh chiếm thị xã (gồm 300 lính dù), tự vệ Thanh Sơn đã phối hợp chặt chẽ với tự vệ nội thị và tự vệ xã Đề Thám đánh địch quyết liệt khi địch mới nhảy dù xuống. Trong trận chiến đấu này, chị Bùi Thị Thuận đã hy sinh anh dũng, khi bị địch vây bắt, không chịu rơi vào tay giặc, chị nhảy xuống sông (đầu cầu Sông Hiến) và bị lính Pháp bắn.

Cuối năm 1949, chị Trần Thị Bướm, tự vệ Thanh Sơn, được giao nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch, rải truyền đơn kêu gọi binh lính Pháp đầu hàng, chị đã bị địch bắt nhưng kiên quyết không khai báo, chúng tra khảo dã man, chị đã anh dũng hy sinh.

Sau hoà bình lập lại (tháng 10-1950), khu phố Thanh Sơn cùng với các khu phố khác của thị xã đứng trước những khó khăn rất lớn, do hậu quả của chế độ cũ và chiến tranh để lại nặng nề, các khu phố trong thị xã đã trở nên hoang tàn, đổ nát, dân cư thưa thớt, đặc biệt khu phố Thanh Sơn lúc đó chỉ là những xóm nhỏ, có một số gia đình nông dân, thợ thủ công sinh sống trong những căn nhà lụp xụp, nhỏ bé. Từ những năm 1951-1954,

máy bay Pháp vẫn thường xuyên ném bom xuống thị xã, phần lớn các cơ sở kinh tế, cầu cống và nhà cửa đều bị phá huỷ, lại cộng với trận lụt lớn tháng 10-1950, làm cho đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

| Từ năm 1954 đến 1957, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, chính quyền khu phố Thanh Sơn và các đoàn thể vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức làm lại nhà cửa giúp đỡ cho những người hồi cư sớm ổn định cuộc sống, đồng thời ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống.

Từ năm 1956 đến 1958, tiến hành cải cách dân chủ, từ năm 1958 đến 1960, khu phố Thanh Sơn cùng với thị xã bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, vận động phong trào tổ đổi công, tiến tới thành lập hợp tác xã thí điểm. Đầu năm 1960 khu phố Thanh Sơn thành lập hợp tác xã gọi là Hợp tác xã Vận tải thô sơ đoàn kết, có sáu hộ, 29 nhân khẩu, 11 xã viên.

Năm 1959, Chi bộ tiểu khu Phan Thanh (tức Sông Hiến bây giờ) được thành lập, có bốn đảng viên do đồng chí Trần Bằng Yên làm bí thư Chi bộ đầu tiên. Trong quá trình phát triển, Chi bộ đã thay đổi nhiều bí thư như đồng chí Noóng, đồng chí Cát, đồng chí Vòng...

Năm 1966 giặc Mỹ bắn phá cầu Sông Hiến, lúc đó Sông Hiến có một khẩu đội 121,7 ly đã bắn trả quyết liệt, trận địa đặt tại quả đồi phía bắc Kho Cuốn bây giờ.

Đến năm 1980, Đảng uỷ phường Sông Hiến được thành lập, bí thư Đảng uỷ qua từng thời kỳ gồm: Dương Văn Chóng, Phạm Cẩn, Lương Công Dương, Phương Ich Tráng, La Quốc Hiệp, Lã Đình Tỉnh, Long Văn Giòng. Hiện nay, Đảng bộ phường có 380 đảng viên, 37 chi bộ trực thuộc, trong đó có năm chi bộ nhà trường, một chi bộ công an phường.

Năm 1994, phường tiếp nhận thêm làng Nà Toòng và làng Nà Cáp của xã Hoà Chung về phường Sông Hiến. Thời kỳ này Sông Hiến có hai hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã nông nghiệp làng Nà Toòng (thường gọi là Đồng Tâm) do ông Đinh Kim Liên làm chủ nhiệm đầu tiên và Hợp tác xã nông nghiệp làng Nà Cáp (thường gọi là thôn Nà Cáp).

Về chính quyền

Những năm 1945-1947, ông Vũ Ngọc Cúc làm Trưởng ban Việt Minh khu Phan Thanh.

Năm 1952, ông Đặng Thiếu Hồng làm Trưởng khu phố Thanh Sơn.

Từ năm 1953 đến 1974, các ông, bà Vũ Văn Châu, Phạm Trọng Tài, Phạm Văn Công Trần Thị Miện, Hoàng Thị Ngoãn, Nguyễn Văn Đức làm Trưởng ban đại diện khu phố Thanh Sơn.

Năm 1975, được gọi là tiểu khu Thanh Sơn do ông Trần Văn Nhật làm Trưởng tiểu khu. Năm 1977 ông Hoàng Lương làm Trưởng ban đại diện hành chính tiểu khu Sông Hiến.

Năm 1980, Ủy ban nhân dân phường Sông Hiến được thành lập, ông Hoàng Lương làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời.

| Từ năm 1981 đến 2004, các ông, bà: Hoàng Lương, Lương Công Đoàn, Đinh Việt Hải, Hoàng Văn Thiêm, Trương Định, Nông Xuân Hồng, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Minh Châu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Sông Hiến.

| Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phường Sông Hiến đã có một bà mẹ Việt Nam Anh hùng; một danh hiệu Anh hùng Lao động, một gia đình được nhận bằng khen “Gia đình có công với nước” và có bốn cán bộ quân đội cấp đại tá, một người cấp thượng tá và 11 người cấp thiếu tá. Phương cũng có 51 cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ và 356 người tham gia bảo vệ biên giới.

Thương binh, bệnh binh: 71 người, trong đó có 7 thương binh chống Pháp, chống Mỹ Có 58 người; bảo vệ biên giới có 6 người.

Liệt sĩ: 83 người, trong đó liệt sĩ hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp là 15 người. Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ có 62 người. Liệt sĩ hy sinh trong chiến sự biên giới có sáu người.

Các đoàn thể nhân dân

Hội Nông dân: với phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút nhiều lao động, số hộ làm kinh tế giỏi ngày một tăng, nhiều gia đình nông dân có mức thu nhập bình quân 500.000đ/người/tháng. Các mô hình phát triển kinh tế đa dạng như nghề rừng, vườn, chăn nuôi động vật quý hiếm, ao cá, trồng cây ăn quả, vv. được phát triển. Cùng với sản xuất, Hội còn đẩy mạnh công tác văn hoá, thể thao trong nông dân, phòng chống tệ nạn xã hội.

| Hội Phụ nữ: có 1.000 hội viên, với phong trào "Tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cùng với sáu nội dung thi đua đang ngày càng phát huy vai trò của mình.

Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng có những nội dung hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế.

Phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân các dân tộc phường Sông Hiến luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiếp tục xây dựng phưởng mỗi ngày một phồn vinh, có đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Tin liên quan
Email: ubndsonghien@caobang.gov.vn - Số điện thoại: 02063 852 698

Địa chỉ: Tổ 5, phường Sông hiến, thành phố Cao Bằng

Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp, tổ chức: 02063 852 698

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang